Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

0 Xe khách, xe ôm cũng tham gia thị trường chuyển phát

Chuyển phát - một trong những dịch vụ lõi, luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu của bưu chính. Vì thế, ở Việt Nam, “mảnh đất” này ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cá nhân nhảy vào "xí phần". Không những thế, còn có nhiều doanh nghiệp chuyển phát quốc tế đã và sẽ tham gia ...
Xe khách, xe ôm cũng tham gia chuyển phát
Không khó để thấy rằng các nhà xe đã tham gia vào thị trường chuyển phát trong nhiều năm nay, từ thư khẩn đến hàng hóa. Có nhà xe xin phép hẳn hoi, nhưng phần đông là không phép, nghĩa là cứ thế mà làm. Họ dựa vào giấy phép vận chuyển (người và hàng hóa) để tiến hành, không cần phân biệt việc vận chuyển ấy là công văn, thư từ, gói nhỏ,... là những vật phẩm thuộc phạm vi xem xét của Luật Bưu chính mà quy chung là hàng hóa khách cần vận chuyển.
Việc chuyển phát của các nhà xe khác hẳn với chuyển phát bưu chính ở chỗ, người cần chuyển hàng (thư từ, hàng hóa) phải mang hàng ra tận nhà xe để gửi và ở đầu nhận hàng, người nhận phải “căn” giờ xe đến địa điểm cần nhận (thỏa thuận lúc gửi) hoặc tới tận trạm của chủ xe để nhận hàng. Còn dịch vụ bưu chính thì phát tận địa chỉ và lúc nhận hàng, có thể nhận tận nơi nếu người gửi có nhu cầu. Không những thế, việc gửi, nhận hàng qua các nhà xe hầu như không có giấy tờ, thủ tục gì, hai bên chỉ dựa vào chữ tín và hàng gửi không bao giờ tạm trữ hoặc lưu kho ở bất cứ kho/bãi nào, nên việc quản lý vô cùng đơn giản. Cộng với việc không phải chịu thuế dịch vụ, nên chuyển phát hàng qua nhà xe có giá cước rất rẻ, không một doanh nghiệp bưu chính nào có thể cạnh tranh nổi.
Tuy vậy, một điều dễ nhận thấy, với cách gửi, nhận và quản lý hàng như thế, nếu chẳng may xảy ra rủi ro (mất hàng, hỏng hàng), sẽ chẳng có sở cứ nào và cơ quan quản lý nào tham gia để buộc nhà xe phải có trách nhiệm về việc này. Người gửi sẽ chịu thiệt là đương nhiên. 
Dịch vụ chuyển phát có vẻ "ăn khách", nên gần đây, đã xuất hiện nhiều xe ôm cũng tham gia vào mảng dịch vụ này, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Không hiếm tổ chức/doanh nghiệp, cả tư lẫn công đã thông qua các xe ôm quen để gửi thư mời/công văn hoặc hàng nhẹ. Và người viết cũng từng nhiều lần ký nhận thư mời/hàng nhẹ trên bản danh sách gửi (được cơ quan/doanh nghiệp gửi lập) của họ để xác nhận rằng hàng đã đến tận nơi. 
Anh Trịnh Đình Dũng, chạy xe ôm khu vực siêu thị Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu cho biết, cứ vào dịp Lễ, Tết, một số doanh nghiệp vẫn thuê anh giao quà cho khách hàng. Họ đặt siêu thị làm quà tặng, khi đến thanh toán, họ thuê anh mang giao trực tiếp cho từng người, có ký nhận đàng hoàng và do quen mối nên được tin tưởng. Còn anh xe ôm ở Quận 1, Tp.HCM (xin dấu tên) cho hay, nhiều doanh nghiệp truyền thông, kể cá các Sở, Ngành của Thành phố đã thuê anh giao công văn, thư mời tham dự sự kiện,… trong đó mời các phóng viên rất nhiều. Thông thường, doanh nghiệp gọi điện cho khách mời trước khi giao cho anh để anh biết thời điểm cần đến, nếu không rất dễ không gặp mặt. Hỏi thu nhập về dịch vụ này, anh chỉ cười, bảo thời buổi khó khăn này, có việc làm là tốt rồi. 
Vì sao lại thế, đó chính là tính nhanh chóng và giá cực rẻ của mảng ngách thị trường này. Giá gửi hàng được tính theo “cuốc xe” cộng thêm chút bồi dưỡng, trong khi chỉ cần alô là được phục vụ ngay, rồi chỉ trong vòng cỡ 1-2 giờ là thư/giấy mời hay hàng cần gửi đã tới tay người nhận. Việc làm này không có bộ Luật nào cấm. Người dân có quyền làm bất cứ việc gì, miễn là Luật không cấm; còn giao dịch giữa một cơ quan/tổ chức với một cá nhân là hoàn toàn hợp pháp, hợp lệ, có thể quyết toán được.
Các doanh nghiệp ngoại tham gia ngày càng sâu 
Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kể từ ngày 11/1/2012, Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn dịch vụ chuyển phát bưu chính. Theo đó, cho phép các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (ngoại) được kinh doanh dịch vụ này. Điều này cũng có nghĩa là các doanh nghiệp bưu chính trong nước (nội) vốn đã gặp nhiều khó khăn nay sẽ lại càng khó hơn. 
Vận chuyển các loại hàng dân dụng luôn có nhu cầu lớn, thuộc dạng tiềm năng cho chuyển phát bưu chính nếu tổ chức tốt.

Thị phần của các doanh nghiệp bưu chính nội tới đây chắc chắn sẽ bị chia sẻ và mất dần khi các doanh nghiệp chuyển phát quốc tế từng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong nước bắt đầu tách ra để kinh doanh độc lập. Sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nội sẽ ngày càng lớn và không chỉ ở những sản phẩm quốc tế mà với cả những sản phẩm trong nước. Đặc biệt, những doanh nghiệp FDI sản xuất, chế biến sản phẩm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất – là những khách hàng tiềm năng nhất của mảng chuyển phát sẽ dễ dàng lựa chọn các doanh nghiệp quốc tế thay vì doanh nghiệp nội, bởi tính chuyên nghiệp, có mạng lưới rộng và có bề dày uy tín trên thương trường. 
Trong buổi tọa đàm “Mở cửa thị trường bưu chính: Cơ hội và thách thức” do Vụ Bưu chính và báo Bưu điện Việt Nam tổ chức đầu tháng 5/2012 tại Hà Nội, ông Đỗ Ngọc Bình – Tổng giám đốc VietnamPost đã chia sẻ, bên cạnh những cơ hội, các nhà khai thác bưu chính trong nước đang đứng trước một thách thức rất lớn. Đó là áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các nhà khai thác có mạng lưới toàn cầu, đã góp mặt tại thị trường Việt Nam từ nhiều năm qua, như FedEx, UPS (Mỹ), TNT (Hà Lan) và DHL (Đức). 
Theo ông Bình, thời gian qua, các doanh nghiệp chuyển phát quốc tế tham gia ngày càng sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Ông cho rằng, khả năng DHL, TNT sẽ tách ra để trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong thời gian tới là có thể. 
Và hướng đi nào cho các doanh nghiệp nội?
Với 44 doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư, 43 doanh nghiệp được xác nhận thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát, chưa kể những doanh nghiệp hoạt động không phép và vô vàn nhà xe liên tỉnh, liên huyện và các bác tài xe ôm, quả thực, lĩnh vực chuyển phát bưu chính đang có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Trong khả năng và thực lực của mình, muốn tồn tại và phát triển, chẳng có con đường nào khác là từng doanh nghiệp phải tự tìm lối ra cho chính mình.
Vận chuyển thư từ, bưu phẩm hiện là mảng có sự cạnh tranh mạnh. Liệu các Bưu điện tỉnh, thành có thể có giải pháp nào dành riêng cho khu vực nội thành nhằm cạnh tranh với lực lượng “xe ôm”?

Trước hết, để đảm bảo tồn tại và tiếp tục phát triển, chất lượng dịch vụ, giá cả phù hợp phải được đặt lên hàng đầu, bởi điều này quyết định sự lựa chọn của khách hàng. Về góc độ thị trường, vẫn còn nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp bưu chính có thể khai thác “chiếc bánh”. 
Hiện chất lượng dịch vụ và phục vụ của các doanh nghiệp về cơ bản là tương đương nhau. Nếu doanh nghiệp nào tìm ra cách để đột phá về chất lượng, gồm tái cấu trúc mạng lưới cho phù hợp (giảm nhân sự khai thác, giảm quản lý, rút ngắn hành trình,…) và đưa CNTT vào hoạt động SXKD sẽ đẩy được năng suất, hiệu quả hoạt động lên, dần vượt khỏi “mặt bằng” chung. Và về lâu dài, doanh nghiệp ấy sẽ nắm chắc phần thắng trên chính những phân khúc mà họ đã bỏ công nghiên cứu, đầu tư vào đó.
Xu thế chung là khách hàng ngày càng khó tính và yêu cầu cao hơn đối với dịch vụ của nhà cung cấp và bưu chính cũng không ngoại lệ. Thêm vào đó, cần hướng tới việc thiết kế, cung cấp ra thị trường những gói dịch vụ phù hợp với từng nhóm khách hàng là xu hướng mới hiện nay. Chẳng hạn, Bưu điện Tp.HCM vừa cho ra những dịch vụ thuộc các mảng ngách: Chuyển phát CMND, chuyển phát hộ chiếu,… là các gói dịch vụ theo nhóm, rất phù hợp với nhu cầu thực tiễn và tin rằng hiệu quả của nó sẽ đạt được.
Kế đến, các doanh nghiệp chuyển phát bưu chính cần tăng cường hợp tác. Ngoài lợi thế sân nhà, am hiểu thị trường nội địa, các doanh nghiệp bưu chính cũng phải tính đến việc hợp tác để sử dụng chung hạ tầng như viễn thông. Làm được vậy sẽ giải quyết tốt mâu thuẫn giữa việc phải mở rộng thị trường nhưng vẫn đảm bảo tiết kiệm chi phí. Cùng đó, các doanh nghiệp Bưu chính phải sớm bắt tay nhau để thành lập Hiệp hội Bưu chính chuyển phát, nhằm tăng cường sự hợp tác, gắn kết giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Và chính Hiệp hội sẽ tham gia, đóng góp ý kiến với Bộ chủ quản trong việc xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật để hỗ trợ ngược trở lại cho các doanh nghiệp. 
Cuối cùng, với đà phát triển nhanh chóng của viễn thông và CNTT, đã và đang dẫn đến việc người sử dụng dịch vụ bưu chính dần thay thế bằng dịch vụ khác. Hiện thời, mảng chuyển phát tài liệu, ấn phẩm... đã có dấu hiệu bão hòa và suy giảm. Vì thế, trước mắt các doanh nghiệp bưu chính phải tìm cách đa dạng hóa các sản phẩm vận chuyển. Cùng đó, cần nghiên cứu kỹ những khoảng dịch vụ “chồng lấn”, như vận tải, vận chuyển hàng hóa, kết hợp vận chuyển hàng với vận chuyển người, ... để có đối sách phù hợp.
Theo Sách trắng CNTT-TT năm 2012 được Bộ TT-TT công bố đầu tháng 9/2012, dù tình hình kinh tế đang gặp khó, nhưng doanh thu dịch vụ bưu chính năm 2011 vẫn tăng khoảng 16% so với năm 2010, đạt trên 246,2 triệu USD. Còn trong 3 năm liền trước đó, tổng doanh thu bưu chính đạt: Năm 2008 là gần 7.000 tỷ đồng; 2009 là 8.100 tỷ đồng và 2010 là 9.100 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, tương đương với 17 - 18%/năm. 
Mặt khác, cũng theo Sách trắng, trong 3 năm trở lại đây, thị trường bưu chính đã có sự chuyển hướng: Thị phần dịch vụ (tính theo doanh thu) của các doanh nghiệp lớn như VietnamPost, DHL-VNPT, TNT-Viettrans, PT-EMS (VNPost Express)… đều bị sụt giảm. Chẳng hạn như: VietnamPost với 41,2% thị phần năm 2009 đã giảm xuống còn trên 36,2% năm 2011, hay TNT-Viettrans từ 9,5% năm 2009 nhưng đến năm 2011 chỉ còn khoảng 8,1% thị phần. Ngược lại, thị phần bưu chính của các doanh nghiệp nhỏ lại tăng dần, từ 6% năm 2009 lên 18,6% năm 2010 và trên 23% vào năm 2011.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Chuyển phát nhanh Copyright © 2013.